Tắt Quảng Cáo [X]

Thứ Tư, 6 tháng 9, 2017

Top 5 cái tên đáng thất vọng nhất tại LCK Mùa Hè 2017


Những gương mặt xuất sắc nhất tại LCK Mùa Hè 2017 đều đã được vinh danh, vậy còn những cái tên nào đã khiến người hâm mộ thất vọng nhất?
Cùng điểm lại những gương mặt gây thất vọng lớn trong suốt quá trình diễn ra LCK Mùa Hè 2017.

MVP Beyond

beyond3
Từ một đội tuyển đầy tiềm năng kể từ Mùa Xuân 2017, MVP bỗng chốc lại khiến tất cả bất ngờ khi đội hình từng khiến kt Rolster ngậm hành ngày nào lại phải ngụp lặn ở dưới đáy bảng xếp hạng suốt thời gian LCK Mùa Hè diễn ra. Không có một lời giải thích cụ thể nào có thể được đưa ra và kết quả chính là lời tuyên bố rõ ràng nhất.
Đi liền với sự thất vọng của cả một đội tuyển cũng chính là sự sa sút của một hay vài cá nhân nào đó. Ở MVP, điều đó hoàn toàn đúng và việc họ đánh mất sức mạnh vốn có của mình liên quan tới những màn trình diễn đáng thất vọng của người đi rừng Beyond.
Tuyển thủ đầy tài năng từng tuyên bố muốn cạnh tranh vị trí đi rừng số một với Peanut bỗng chốc không còn là chính mình ở mùa giải đầy khốc liệt như LCK Mùa Hè 2017. May cho MVP khi họ vẫn đủ sức để thoát khỏi nhóm nguy hiểm và đồng thời đủ điều kiện để tham gia vòng loại khu vực. Tuy nhiên, điều đó chỉ như sát thêm muối vào vết thương của các fan hâm mộ MVP khi họ lại thêm một lần chứng kiến sự thất bại của đội nhà.
Một Beyond từng thi đấu bùng nổ và là đòn bẩy giúp những đường còn lại của MVP giành được lợi thế sớm thì nay lại lạc lõng giữa meta phải đánh chịu đòn và thiên về kiểm soát bản đồ. Khả năng thích ứng chậm chạp đã khiến họ từ một đội tuyển sáng tạo bậc nhất LCK trở thành một nỗi thất vọng. Cơ hội cho họ có lẽ phải dành tới năm sau và cũng như Beyond cần phải tập trung hoàn thiện thêm những kỹ năng của mình nếu anh vẫn muốn thực hiện tham vọng trở thành một người đi rừng hàng đầu thế giới.

AFs Spirit

spirit
Với đội hình cũng như  tiềm lực mà Afreeca Freecs có, chắc chắn họ đòi hỏi nhiều hơn những gì mà người đi rừng Spirit của mình có thể làm được ở hiện tại. Phải nói rằng Afreeca Freecs đã quá may mắn khi có được MaRin cùng Kuro, những người có thể gánh đội một cách xuất sắc, nếu không những sai lầm mà Spiritgây ra có thể đã đẩy Afreeca đi xa khỏi vị trí nhóm đầu trên bảng xếp hạng.
Là một tuyển thủ có kinh nghiệm thi đấu lâu năm, nói một cách công bằng thì Spirit vẫn cho thấy được khả năng của mình qua một vài trận đấu. Thành tích mà Afreeca Freecs có sau khi mùa giải kết thúc thật sự cũng không đến nỗi quá tệ nhưng chắc chắn, nhiều fan hâm mộ tin rằng họ có thể làm được nhiều hơn thế nếu người đi rừng của họ không bất ngờ “đổi team” ở những ván đấu then chốt.
Chính sự thất thường trong lối chơi của Spirit đã khiến cho thành tích của Afreeca phần nào cũng theo đó mà trở nên bấp bênh. Họ thường không thể giải quyết trận đấu gọn gàng, thậm chí sau khi đã có được những lợi thế nhất định ở đầu ván. Thường những ván mà Afreeca thua, Spirit thi đấu một cách mờ nhạt với đủ những lỗi mà một người đi rừng không bao giờ muốn mắc phải. Anh có thể thi đấu như lên đồng ở ván một nhưng rồi lại mắc những lỗi chết người như di chuyển hay để mất mục tiêu lớn. Chắc chắn Spirit sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nếu không muốn trở thành người thừa ở mùa giải năm sau.

SSG Crown

crown
Thực sự là một quyết định khó khăn khi đưa cái tên hàng đầu như Crown vào đây cũng như những màn trình diễn tuyệt vời của anh ở vòng loại khu vực góp phần mang về tấm vé cuối cùng đi đến Chung Kết Thế Giới cho Samsung GALAXY. Tuy nhiên, chính việc phải tranh vé vớt và đối mặt với nguy cơ ngồi nhà cũng có một phần lỗi không nhỏ đến từ Crown.
Chẳng ai có thể ngờ một người đi đường giữa tài năng cùng số điểm MVP cao ngất lại trở nên vô hại khi sử dụng Orianna như vậy. Những thất bại trước KT và Longzhu tại vòng bảng đã cướp đi cơ hội đứng đầu của Samsung một cách đáng tiếc. Và trong cả hai trận đấu đó, Crown chính là một phần nguyên nhân đẩy Samsung GALAXY vào thế khó khi phải đứng thứ ba và rồi sau đó thất bại 0-3 đầy cay đắng trước SKT T1.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Crown sa sút lại khiến Samsung trở nên khốn đốn như vậy, khi mà những nhà Á quân thế giới có lối chơi sở trường xoay quanh đường giữa của mình và việc Crown đánh mất phong độ giống như họ tự triệt tiêu đi 50% sức mạnh vậy. Biết đâu, nếu đứng đầu sau vòng bảng, một kết quả tuyệt vời hơn sẽ đến với Samsung GALAXY thay vì phải căng thẳng chiến đấu tới trận đấu cuối cùng, nhưng sẽ chẳng có chữ nếu nào xảy ra trong đời thật, và Samsung có lẽ cũng nên tự hài lòng bởi dù sao Crown cũng đã trở lại vào đúng thời điểm quan trọng nhất.

KT Deft

deft-ava
Nhạt nhòa – đó chính là điều đầu tiên mà người ta nghĩ về siêu xạ thủ của kt Rolster sau mùa giải năm nay. Khởi đầu 2017 với một phong thái tự tin và thi đấu cực kỳ xuất sắc. Tuy nhiên, theo thời gian, những màn trình diễn của Deft càng ngày càng chìm đi trong khi SmebPawn hay Score đều thay nhau lên tiếng để giúp kt Rolster giành được những chiến thắng quan trọng.
Cũng khó trách được Deft  hoàn toàn khi mà đối tác của anh chỉ thể hiện ở mức tròn vai cũng như meta của trận đấu không cho phép xạ thủ có nhiều đất diễn. Nhưng thành lập super team làm gì khi chỉ làm được những điều mà ai cũng làm được. Hầu hết những lần mà Deft nhận được MVP tại Mùa Hè năm nay, đó là những ván đấu mà dường như kt Rolster đã hủy diệt đối phương ngay từ đầu hay nói cách khác, anh trở nên rực rỡ khi những người đồng đội xung quanh mình tỏa sáng. Thử nhìn lại những lần đối đầu căng thẳng và khi trận đấu kéo dài đến gần một tiếng của KT sẽ rõ.
Tất cả những ván đấu kéo dài sau phút 45, kt Rolster đều thua và chỉ có một lần họ thắng được MVP còn lần thứ hai là trước Longzhu. Một thống kê thực sự đáng buồn cho thấy kt Rolster không hề bản lĩnh và lì lợm như người ta vẫn tưởng. Điều đó cũng cho thấy Deft không thể trở thành chìa khóa giúp kt Rolster giải quyết những trận đấu khó khăn, ở vào những thời điểm mà đồng đội đang cần đến anh nhất. Khó mà giải thích cho vấn đề này của Deft và những người thực sự cần phải để tâm khắc phục điều này chính là ban huấn luyện của kt Rolster.

Ban huấn luyện của kt Rolster

Lee ji-hun
Một đội tuyển như KT lại không thể đến với Chung Kết Thế Giới và cả một năm trời phải núp bóng của đối thủ không đội trời chung SK Telecom T1, dĩ nhiên trách nhiệm lớn nhất phải thuộc về những bộ sậu đứng sau.
Từ “thuyền trưởng” Lee Ji Hun cho tới hai huấn luyện hỗ trợ chiến thuật là Oh Chang-jong và Jeong Je-seung, việc để cho KT mất suất dự CKTG lần này thực sự là một thất bại vô cùng nặng nề. Đồng ý rằng KT đã có những tiến bộ rõ rệt trong lối chơi của mình nhưng điều quan trọng không kém đó chính là bản lĩnh của một ông lớn thì dường như họ lại chẳng thể hiện được nhiều. Hai trận đấu được coi là quan trọng nhất trong cả mùa giải, đó là Chung kết Mùa Xuân và Chung kết vòng loại khu vực, họ đều thua 0-3 một cách bạc nhược. Đó chắc chắn không phải cách mà một đội tuyển tự xưng là đối trọng số một của SKT được phép thể hiện.
Không những không thể hiện được bản lĩnh, việc tự gây sức ép bằng những tuyên bố hùng hồn mà không có cách giải quyết triệt để đã làm cho KT nhận thêm nhiều chỉ trích cũng như áp lực sau mỗi lần thất bại. Không rõ tương lai của họ sẽ ra sao sau khi mùa giải 2017 kết thúc nhưng chắc chắn, đại gia của ngành viễn thông Hàn Quốc sẽ cần những thay đổi mạnh mẽ hơn nữa chứ không chỉ là tập hợp của những siêu sao.
tylebongda Web Developer

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét