Ai sẽ là ông trùm đường giữa của VCS Mùa Hè 2018?
Sau đường trên và đường dưới, series đánh giá các vị trí thi đấu của VCS Mùa Hè 2018 sẽ tiếp tục với đường giữa – nơi tạo ra những ông vua cầm trịch trận đấu. Đường giữa ở thời điểm hiện tại sẽ mang vai trò là 1 trong 2 nguồn sát thương chủ lực của cả đội về giữa và cuối ván đấu. Chính vì vậy, hầu như các đội tuyển chuyên nghiệp sẽ sử dụng 1 và chỉ 1 đường giữa để sự ăn ý với cả đội là tốt nhất.
Tất nhiên cũng có 1 vài sự ngoại lệ nhưng hầu như không đáng kể. Cùng điểm qua những người chơi đường giữa tới từ 8 đội tuyển để xem họ có những điểm đáng chú ý gì trước thềm VCS Mùa Hè 2018 cùng Liên Minh 360 nhé.
Warzone – Không phải không thể đánh bại
Warzone là một trong những đường giữa chắc chắn nhất VCS Mùa Xuân 2018. Đó là sự thật khi các kèo đấu với bất kể đối thủ nào đều được “Ngọa Long” giải quyết một cách đơn giản nhất. Phẩm chất của tuyển thủ đường giữa từng tham dự vô số giải đấu chuyên nghiệp trước đó giúp Warzone hầu như không bao giờ mất đi sự bình tĩnh khi bị đối phương dồn ép.
Thế nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm trước khi nó được bộc lộ hết ở MSI 2018. Ngoài kèo đấu mà Warzone hầu như thể hiện ở mức tròn vai trong các chiến thắng của EVS, các ván đấu còn lại đều không mấy để lại ấn tượng gì quá đáng kể. Chắc chúng ta còn nhớ ván đấu “không một lần chiêu cuối thành công” với Cassiopeia của Warzone khi đối đầu với RNG. Hay những trận đấu anh cùng Slay chìm nghỉm trước sức mạnh đối phương và hầu như chẳng thể tạo đột biến với những quân bài kiểm soát. Những đối thủ của EVScó lẽ sẽ phải nghĩ tới những sự lựa chọn tạo áp lực cực mạnh ở đầu trận để hạn chế tối đa sức mạnh của Warzone khi ván đấu lui về những phút cuối.
Naul – Trở lại với giấc mơ CKTG
Naul là tuyển thủ được đánh giá là đường giữa có kĩ năng tốt nhất tham dự VCS Mùa Xuân 2018. Thế nhưng vấn đề bắt đầu bộc lộ với tuyển thủ này khi YG bước vào những trận đấu đầu tiên. Việc quá chú trọng vào khả năng càn lướt chèn ép đối thủ khiến Naul không thể tạo ra cách biệt khi bị nằm lại bởi sự hỏi thăm của người đi rừng đối phương quá nhiều.
Naul từng là ông vua “SoloQ” của Đông Nam Á vào năm 2017
Sự ủng hộ cho Naul ở Việt Nam gần như không bao giờ tắt kể từ khi anh chàng này xuất hiện gần 2 năm về trước. Thế nhưng nếu không thể mở rộng lượng tướng có thể sử dụng hiệu quả và tạo ra sự chắc chắn ở đường giữa, rất khó để Naul có thể hiện thực hóa giấc mơ CKTG 2018 cùng PVB. Mọi thứ còn ở phía trước nhưng Naul sẽ phải nỗ lực rất nhiều để tìm lại chính mình khi những đường giữa khác của VCS cũng đều đang bắt đầu thể hiện được tài năng của họ.
Artifact – Đồng đội mới, mục tiêu mới
Mặc dù Warzone cùng EVS lên ngôi vô địch VCS Mùa Xuân 2018, nhưng rất nhiều chuyên gia đều cho rằng Artifact mới là đường giữa xuất sắc nhất. Việc gia nhập FFQ có thể là bước ngoặt của sự nghiệp Artifact bởi cơ sở vật chất và sự cạnh tranh ở đây đều rất tốt cho bất kỳ tuyển thủ trẻ nào.
Với một Celebrity có dấu hiệu trở lại với phong độ khủng khiếp, Artifact sẽ không khó để tìm ra cách tạo nên những dấu ấn cho FFQ, đội tuyển luôn đề ra những mục tiêu rất cao trước mỗi mùa giải khởi tranh. Artifactsở hữu kỹ năng cá nhân rất tốt cùng 1 cái đầu lạnh. Nếu được đồng đội ủng hộ, Artifact sẽ có cơ hội bùng nổ ở VCS Mùa Hè 2018.
Đường giữa của GAM – Ai sẽ là sự lựa chọn tối ưu?
Đây là câu hỏi chưa có câu trả lời kể từ khi Optimus rời GAM. Đường giữa vẫn luôn là điểm nóng với GAM kể từ khi mùa giải 2018 khởi tranh, với một loạt sự thử nghiệm. Zeroday hay Petland chưa thể tạo ra sự tin tưởng, còn Blazes lại có vấn đề về tâm lý khi bước đến những giai đoạn căng thẳng.
Trong 3 tuyển thủ này, không có ai quá nổi trội so với 2 người còn lại. Điều đó sẽ khiến đường giữa của GAMđứng trước 2 sự lựa chọn đều có tính rủi ro cao. Hoặc sử dụng luân phiên cả 3 thành viên và không ai có được sự tin tưởng hoàn toàn, hoặc đặt trọn niềm tin vào ai đó để 2 người còn lại cố gắng hoàn thiện bản thân. Tất nhiên đó chỉ là những giả thiết, còn khi bước vào VCS Mùa Hè 2018, HLV Tinikun có lẽ đã có cho mình sự lựa chọn tốt nhất cho đường giữa của GAM.
Victory – Giấc mơ top 4 cùng FTV
FTV nhìn chung đã có giai đoạn mùa Xuân 2018 tại VCS không đến nỗi nào, nơi Victory đã có cho mình 1 chỗ đứng trong số những tuyển thủ ổn định nhất giải đấu. Victory không quá áp đảo đối thủ nhưng không có nhiều người có thể bóp nghẹt anh ta. Vấn đề của FTV dường như không tới từ đường giữa. FTV sở hữu rất nhiều cái tên tiềm năng và cặp đôi đường dưới có rất nhiều kinh nghiệm thi đấu là Manis và Akeno. Và sau 1 mùa giải, sự ổn định của Victory sẽ là bàn đạp để FTV có thể vươn lên trở thành 1 trong 4 cái tên tham dự Play Off của VCS Mùa Hè 2018.
Pake – Khi tâm lý quyết định số phận
Đây không phải lần đầu chúng ta đề cập đến vấn đề của rất nhiều tài năng trẻ của LMHT Việt Nam, khi họ mắc phải căn bệnh tâm lý trước một giải đấu căng thẳng như VCS. Pake là đường giữa đầy tiềm năng củaLMHT Việt Nam, với khả năng sử dụng những vị tướng cần kĩ năng cá nhân cao. Thứ hạng của HOF không thực sự đúng với những gì Pake đã nỗ lực thể hiện, khi đường trên và người chơi hỗ trợ liên tục mắc những sai lầm sơ đẳng. Giải thích cho vấn đề này chỉ có 1 lý do duy nhất: tâm lý dễ dao động khi phải thi đấu cùng 1 đội và phải chia nguồn tài nguyên trong trận với người chơi từng là biểu tượng của xạ thủ Việt Nam – Minas, cho dù người đồng đội ở khu vực đường dưới của anh cũng không có màn thể hiện tốt như kỳ vọng. Với việc chia tay Minas và thay vào đó là một EasyLove đang có phong độ khá tốt, ADN cùng Pake hoàn toàn có thể là ngựa ô của VCS Mùa Hè 2018 khi đã cởi bỏ được gánh nặng tâm lý.
Ikaros, OPG1 và Upin – Sự mong manh của việc thiếu kinh nghiệm
Đây là 3 tuyển thủ gần như chưa có nhiều kinh nghiệm thi đấu ở đường giữa ở những mùa giải gần đây. Ikaros có màn thể hiện khả ổn khi ra mắt ở vị trí đường trên. Nhưng dường như những lựa chọn pháp sư ở đường trên của anh chàng này dần bị bắt bài và không còn hiệu quả nữa. Bước vào mùa giải mới, CR của Ikaros chia tay một loạt tuyển thủ, điều đó khiến gánh nặng về thành tích đè nặng lên tuyển thủ này. Vậy đâu sẽ là lối thoát cho Ikaros cùng CR ở VCS Mùa Hè 2018?
Ít ra Ikaros còn có cảm giác thi đấu ở GG Stadium, còn với cặp đôi đường giữa của Vikings, thậm chí họ còn chưa biết đến mùi thi đấu chuyên nghiệp hơn 1 năm trở lại đây. Những tuyển thủ thiếu kinh nghiệm thi đấu của VK sẽ thể hiện ra sao ở VCS Mùa Hè 2018, khi những đường giữa của các đội tuyển còn lại đều là những tuyển thủ có tên tuổi. Từ một vị trí trong top 4, liệu CBL và những đồng đội mới có giữ nổi 1 vị trí để tiếp tục chinh chiến ở các mùa giải VCS sau đó hay không? Đó vẫn là câu hỏi đầy sự băn khoăn của người hâm mộ đại diện duy nhất tới từ thủ đô.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét