Này thì farm nhiều này... Này thì gank tem này...
Khởi đầu từ cặp đôi Master Yi rừng – Taric đường giữa làm loạn các cụm máy chủ Trung Quốc, chiến thuật toàn đội dồn tài nguyên cho rừng đang ngày càng phát triển và lan rộng khắp các máy chủ trên toàn thế giới, và thậm chí gặt hái được những thành công nhất định ở môi trường chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, chiến thuật nuôi rừng cũng để lại những hậu quả nặng nề khiến meta game phát triển một cách tiêu cực, khiến Riot buộc phải có những động thái mạnh tay để “cân bằng lại” mọi thứ trong thời gian sắp tới. Cụ thể ra sao thì mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây nha!
Lưu ý: vẫn như mọi khi, đây sẽ là một bài phân tích “khá” chi tiết, nên nếu bạn không có nhiều thời gian để đọc, lướt qua các tiêu đề và phần Dài quá, ngại đọc để nắm được các ý chính của bài viết nhé!
Tổng quan về chiến thuật NUÔI RỪNG ở thời điểm hiện tại
Có tiền thân là bộ combo Master Yi Rừng – Kayle Đường Giữa/Đường Trên, chiến thuật nuôi rừng sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng đã trở lại đầy hoành tráng và phát triển ngày càng mạnh, từ quy mô bể tướng đến chiều sâu chiến thuật.
Và thậm chí cũng đã lan tới máy chủ Việt Nam… Mấy ông đánh rank cẩn thận nhé…
Đúng như tên gọi của nó, chiến thuật nuôi rừng dồn rất nhiều tài nguyên của đội cho người đi rừng với hi vọng anh ta sẽ một mình gánh đội. Cụ thể, bên cạnh lượng tài nguyên cơ bản là các bãi quái rừng, người đi rừng còn được nhường toàn bộ chỉ số lính ở một đường.
Người đi rừng sẽ chọn các tướng siêu-gánh-đội khi vượt trội về đồ như Master Yi, Jax, Graves, Xin Zhao,…; còn người đi đường giữa sẽ chơi các tướng hỗ trợ như Taric, Braum, Lulu,… để vẫn có thể đóng góp cho toàn đội dù lượng trang bị trên người hạn chế. Đầu và giữa trận, người đi rừng và đường giữa sẽ đi cùng nhau để người đi rừng dọn các bãi quái nhanh nhất có thể và tạt qua đường giữa farm trọn vẹn đợt lính.
Nếu đối phương sử dụng các tướng đẩy lính nhanh, người đi đường giữa sẽ chấp nhận hi sinh lấy thân cản lính để người đi rừng có thêm thời gian quay lại đường kịp lúc. Bằng cách này, người đi rừng sẽ có lượng kinh tế – trang bị vượt trội hoàn toàn các vị trí khác và chém nát tất cả, còn người đi đường giữa – dù nghèo – vẫn có lượng cấp độ cần thiết để nâng cấp kĩ năng.
Nếu rừng của bạn quá mạnh thì dồn hết tài nguyên cho hắn còn dễ thắng hơn là tự mình gây sát thương
Cho đến thời điểm hiện tại, chiến thuật nuôi rừng đã, đang và sẽ được áp dụng rất nhiều ở tất cả các giải đấu trên thế giới. Nó cũng đã gặt hái được những thành công nhất định, kể cả ở những môi trường mà kĩ năng người chơi và tính cạnh tranh khốc liệt được đẩy lên mức cao nhất như giải đấu LCK của Hàn Quốc hay LPL của Trung Quốc.
Dài quá, ngại đọc: chiến thuật nuôi rừng ngày càng phát triển mạnh ở môi trường bán chuyên và đã gặt hái được những thành công nhất định ở đấu trường chuyên nghiệp.
Các mặt tiêu cực của chiến thuật NUÔI RỪNG
Giảm sự tương tác giữa 2 người đi đường giữa
Với tình hình chiến thuật nuôi rừng ngày càng lan rộng, việc các tướng hỗ trợ xuất hiện ở đường giữa của… cả hai đội giờ không chỉ còn là viễn cảnh trong truyền thuyết nữa. Đơn cử một kèo đấu đường giữa từng xuất hiện ở LCK là Taric (nuôi Yi) vs Nunu (nuôi Karthus).
Cũng muốn tương tác lắm nhưng vắng tanh thế này thì chơi với ai?
Mặc dù chưa đến mức cả trận không thấy mặt nhau lần nào, song cơ hội để cả trận… không chạm vào người nhau lần nào cũng hoàn toàn có thể xảy ra. Họ hiểu rõ thân phận mình chỉ đóng vai “kép phụ”, với mục đích tồn tại duy nhất là giữ lính cho người đi rừng, nên chẳng cần dư hơi rỗi việc gây chiến vô ích với nhau làm gì…
Kể cả khi một bên cố phá tan sự nhàm chán đó bằng cách sử dụng các pháp sư truyền thống, khả năng tương tác giữa hai bên cũng khó có thể cải thiện. Trước một kẻ cứng cáp (ví dụ như Taric) và có cả tá khả năng hồi phục từ Khiên Cổ Vật, bộ kĩ năng và nhánh ngọc Kiên Địch, mọi nỗ lực cấu máu chỉ là tiêu tốn đi năng lượng một cách vô nghĩa, trong khi đối phương cũng… chẳng thèm đánh trả.
Cơ hội tương tác duy nhất có lẽ là khi… 2 bên tình cờ bắt gặp nhau trong rừng
Còn nếu tướng của bạn có khả năng đẩy lính tệ? Vậy thì cơ hội gây sự với tướng đường giữa đối phương càng chẳng có là bao. Bởi trong lúc bạn đang lề mề dọn lính, tướng đường giữa đối phương đang ân cần chăm chút cho chuyến dạo chơi khắp bản đồ của người đi rừng bên kia thay vì nhởn nhơ đứng trêu ngươi và khoe thông thạo 7 như mấy thằng cha Yasuo rảnh hơi rỗi việc. Kết cục, ở đường giữa vẫn chỉ có mình bạn chơi với…lính.
Dài quá, ngại đọc: khả năng hồi phục quá mạnh từ Khiên Cổ Vật và nhánh ngọc Kiên Định khiến pháp sư không thể tương tác một cách có lợi với tướng hỗ trợ đi đường giữa bên kia.
Khai sinh ra meta game mới với những đội hình đầy tiêu cực
Cũng chính vì tiềm năng gánh đội của một vài tướng đi rừng tỏ ra quá vượt trội so với phần còn lại, đôi khi dồn cả tài nguyên của… các đường khác cho người đi rừng còn hiệu quả cao hơn so với các vị tướng truyền thống ôm farm và tăng tiến sức mạnh bình thường. Tất nhiên không đến mức nhường cho tướng rừng farm… cả ba đường (có mọc ba đầu sáu tay cũng chẳng làm kịp chuyện đó), tuy nhiên việc hai đường cánh chỉ chơi các tướng hỗ trợ và dồn tất cả các loại buff cho người đi rừng trong giao tranh không phải chưa từng xảy ra.
Các đội hình tiêu cực với quá nửa thành viên là tướng… hỗ trợ đang xuất hiện ngày một nhiều
Miễn là nó hiệu quả thì không ai phản đối, như kiểu khi bạn “xanh” thì bạn nói gì cũng thành chân lý vậy. Vấn đề khi xét tới tính giải trí của trò chơi, việc các đường toàn các tướng hỗ trợ ít sát thương chơi với nhau thì quả thực… chẳng vui vẻ gì. Tiềm năng hạ gục hoàn toàn là không có, mục đích của hai bên cũng chỉ ôm farm kiếm đồ khiến cả trò chơi 5v5 bỗng chốc thu bé lại thành… 1v1 – với tâm điểm là hai người đi rừng của hai bên vậy.
Dài quá, ngại đọc: ngày càng nhiều đội hình với các vị tướng thuần buff cho rừng ra đời, đi cùng với lối đánh thủ hòa tiêu cực ở tất cả các đường.
Dễ chơi nhưng khó khắc chế
Quay trở lại vấn đề mà chúng ta phân tích ở trên – người đi rừng quá mạnh so với phần còn lại của trận đấu, chiến thuật này cực kì khó khắc chế ở môi trường bán chuyên. Với một lượng trang bị và cấp độ quá chênh lệch, người đi rừng có thể làm gỏi bất cứ kẻ nào trong tầm mắt chúng ngay từ giai đoạn giữa trận, và lấy lợi thế đó để không ngừng lăn cầu tuyết ở giai đoạn cuối trận.
Đội tuyển Gen.G phải xây dựng cả một đội hình xoay quanh việc khắc chế Master Yi của SKT – và đã thành công
Nghĩ rằng chỉ cần dồn hiệu ứng khống chế là sẽ kiến mãnh thú phải “tắt điện”? Một cái Khăn Giải Thuật lên sớm, thậm chí phối hợp cả với Giày Thủy Ngân và một Hỗ Trợ biết xả thân, giờ bạn có thể làm gì với kẻ đang hơn mình từ 1 đến 3 món đồ? Ở các giải đấu chuyên nghiệp, người ta phải xây dựng cả một đội hình khắc chế nhằm riêng vào vị trí đi rừng mới có thể hạn chế tối đa tầm ảnh hưởng của chiến thuật đồi bại này.
Dài quá, ngại đọc: như tiêu đề, các đội hình nuôi rừng đòi hỏi đối phương phải có sự phối hợp cả năm người mới có thể chống lại.
Riot phật ý và quyết tâm khai tử?
Với hàng tá ảnh hưởng đến sự lành mạnh và thú vị của toàn bộ trò chơi, các nhà-phát-triển-đáng-kính của chúng ta chắc chắn sẽ không để yên cho chiến thuật nuôi rừng tiếp tục bành trường trong thời gian tới. Họ đang tiến hành hàng loạt những thay đổi trên máy chủ thử nghiệm PBE nhắm vào chiến thuật, cũng như những thay đổi dự kiến chưa được tung ra, cụ thể là:
Giảm sức mạnh các bộ đôi giữa-rừng đang bá đạo thái quá
Các gương mặt đang “nổi tiếng”/”tai tiếng” trong thời gian gần đây, bao gồm Master Yi+Taric và Karthus-Nunu sẽ bị sờ gáy đầu tiên trong bản cập nhật sắp tới. Tuyệt Kĩ Alpha của Master Yi sẽ không có lượng sát thương cộng thêm lên lính nữa, Taric tăng mạnh thời gian hồi chiêu cuối trong khi Nunu giảm mạnh lượng % sức mạnh phép thuật tăng thêm của Sôi Máu là những thay đổi đáng chú ý nhất trong những ngày vừa qua trên máy chủ PBE. Rất có khả năng những thay đổi này sẽ xuất hiện trên phiên bản chính thức sắp tới.
Bộ tứ “ăn búa” ở ít nhất 2 phiên bản sắp tới
Tuy nhiên, việc giảm sức mạnh vào một tướng hay nhóm tướng cụ thể chưa chắc đã giải quyết được toàn bộ vấn đề. “Toàn bộ khu rừng trong Liên Minh Huyền Thoại đang mất cân bằng” – Dopa ngao ngán nói, nên nếu chỉ nhắm vào Master Yi, Nunu hay một vái cái tên khác, hoàn toàn có khả năng các gương mặt mới sẽ xuất hiện với vấn đề tương tự. Rengar, Shyvana,Graves,… là những kẻ mới nổi lên trong chiến thuật nuôi rừng đầy tiêu cực này.
Dài quá, ngại đọc: các tướng trong các bộ combo nuôi rừng sẽ bị giảm sức mạnh trực tiếp trong thời gian sắp tới.
Hình phạt cho những kẻ đi rừng tham lam
Quay trở lại với cốt lõi của đội hình: người đi rừng, đây là nhân vật quyết định toàn bộ thắng bại của những đội hình chiến thuật nuôi rừng này. Nghe có vẻ hiển nhiên quá phải không, nhưng giảm sức mạnh các tướng đi đường giữa, hay lượng tài nguyên (vàng/kinh nghiệm) từ lính ở đường này sẽ kéo theo hàng tá vấn đề cần phải cân bằng ở đường giữa. Giảm lượng vàng từ quái rừng chắc chắn cũng không phải một ý hay, vì vốn những người đi rừng đã eo hẹp dần về kinh tế theo thời gian trận đấu rồi.
Có những trận đấu ở LCK mà hơn 30 phút người đi rừng vẫn chưa xong được 2 trang bị chính
Do vậy, nơi duy nhất Riot có thể giáng đòn vào chiến thuật tiêu cực này là kinh nghiệm của quái rừng. Cụ thể, nếu người đi rừng có cấp độ càng cao hơn so với quái rừng, họ sẽ nhận được càng ít kinh nghiệm khi tiêu diệt chúng. Người đi rừng vẫn có lượng kinh tế vượt hẳn so với người đi đường, nhưng lượng cấp độ thì KHÔNG. Việc “lăn cầu tuyết” ở vị trí đi rừng của các người chơi “chân chính” tất nhiên sẽ bị ảnh hưởng, tuy nhiên nó khiến chiến thuật nuôi rừng trở nên ít khả dĩ hơn rất nhiều.
Dài quá, ngại đọc: sẽ có hình phạt cho người đi rừng: cấp càng cao ăn quái rừng càng được ít kinh nghiệm.
Trang bị đi rừng cũng có thể trở thành một ổ khóa
Việc người đi rừng lạm dụng trang bị của các vị trí khác, hay nói trắng ra là chuyên…dùng chùa đồ của tướng hỗ trợ, đến giờ phút này, không còn gì mới mẻ. Và lịch sử đã chứng minh, dù có giảm cỡ nào, người đi rừng vẫn có cách để tận dụng chúng.
Họ chấp nhận chịu thiệt khi mua để đổi lấy lượng tầm nhìn cho toàn đội, và thực ra vốn các đồ của tướng hỗ trợ đâu có quá đắt đỏ để mà thiệt thòi nhiều. Cuối cùng, người giương cờ trắng lại chính là… Riot Games, khi họ bất lực trong việc hạn chế và chỉ còn cách… cấm tiệt việc mua trang bị Hỗ Trợ khi đã sở hữu món đồ đi rừng.
Hãy chú ý vào dòng: Giới hạn 1 Trang bị Cộng Vàng hoặc Đi Rừng
Vậy nên, trong trường hợp xấu nhất và họ đã hết cách, nhiều khả năng trang bị đi rừng sẽ được tích hợp thêm một… nội tại mới: giảm vàng và/hoặc kinh nghiệm khi ăn lính ngoài đường. Cách này chắc chắn sẽ hạn chế triệt để chiến thuật nuôi rừng nêu trên, đồng thời “đánh thuế” mấy ông rừng chuyên ra đường “đánh thuế lính” của đồng đội nữa chứ. Quả là nhất cử lưỡng tiện!
Mũ Trắng chú thích một chút nhé: đánh thuế lính là khi người đi rừng ra gank đường của bạn nhưng không giành được mạng hạ gục, họ sẽ ăn một vài con lính ở đường để bù cho lượng vàng/kinh nghiệm tương ứng với thời gian đã bỏ ra để gank đường.
Dài quá, ngại đọc: rất nhiều thay đổi phụ để hạn chế đội hình nuôi rừng cũng đang được thử nghiệm, một trong số đó là giảm sức mạnh trang bị đi rừng.
Đây sẽ là những ngày cuối cùng trước khi sự hỗn loạn trong rừng được dẹp bỏ. Sẽ không còn những kỉ lục để đời về việc farm vượt thời gian 1-200 lính ở ngay giai đoạn giữa trận như đang diễn ra ở các giải đấu chuyên nghiệp hiện tại nữa. Nếu bạn muốn lưu giữ những hồi ức đẹp nhất về giai đoạn “rừng cân cả bản đồ”, đừng bỏ lỡ quãng thời gian còn lại này để thử nghiệm những tướng siêu-late ở vị trí đi rừng nhé, như nàng Long Nữ dưới đây chẳng hạn:
Văn vẻ thế thôi chứ ai cũng biết thừa tui thường chèn ảnh cuối vô để phục vụ con-mắt-chiến-thuật của các ông mà. À, còn đồng bào nào chưa có Garena Mobile trong máy thì vô http://mobile.garena.vn/ mà tải về nha, trên đó cũng cập nhật bài viết của tui á, ảnh ọt các thứ vẫn sắc nét đến từng góc cạnh luôn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét